Yêu thích

Các lỗi thường gặp khi sử dụng máy nén khí

Cách sửa chữa máy nén khí, máy bơm hơi với lỗi thường gặp

Chia sẻ :

Trong quá trình sử dụng máy nén khí, chắc hẳn sẽ không ít lần bạn gặp các sự cố khiến máy không hoạt động, gây cản trở công việc. Vì vậy trong bài viết này, Điện máy Hương Thắng sẽ giúp bạn tổng hợp những lỗi thường gặp và cách sửa chữa máy nén khí nhanh chóng tại nhà! 

Nội dung chính

  • Máy nén khí bị xì hơi
  • Máy nén khí chạy không tải
  • Máy nén khí bị nóng
  • Máy nén khí lên hơi chậm
  • Máy nén khí không chạy
  • Máy nén khí có nhiều nước
  • Máy nén khí tự ngắt
  • Máy nén khí bị hao dầu
  • Rơle bảo vệ quá tải
  • Van an toàn liên tục xả khí

Tổng hợp lỗi thường gặp của máy nén khí và cách khắc phục

 

Máy nén khí bị xì hơi

Đây là một trong những lỗi thường gặp trong quá trình vận hành máy nén khí. Tình trạng này xuất hiện làm giảm lượng khí nén trong bình và gây ảnh hưởng lớn đến hiệu suất làm việc của máy. 

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho máy bơm hơi bị xì hơi. Trong đó, phổ biến nhất là: 

  • Sử dụng máy nén khí cũ, kém chất lượng, khiến cho các chi tiết máy không ăn khớp hoặc bình chứa bị thủng, gây thất thoát khí nén.  
  • Thói quen “lười” bảo dưỡng máy hoặc bảo dưỡng không đúng cách làm cho các van nạp và ống dẫn khí nhanh xuống cấp, dễ bị thủng. 
  • Nguồn điện qua thiết bị không đáp ứng. 
  • Nơi đặt máy nén không khí chứa nhiều bụi bẩn làm các chi tiết máy bị kẹt. Đặc biệt, khi bụi bẩn tích tụ nhiều trong ống dẫn khí hay van sẽ gây nên hiện tượng máy bị xì hơi. 

Máy nén khí chạy không tải

Tình trạng này xuất hiện thường xuyên khiến cho áp suất làm việc của thiết bị không ổn định; từ đó làm giảm tuổi thọ và ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. 

Có hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng máy bơm hơi không lên hơi, cụ thể như sau: 

  • Van điện từ không được cấp điện.   
  • Van hút không mở do van điện tử bị hỏng, làm mất kết nối đến van hút hay do van hút lâu ngày không được vệ sinh nên tắc nghẽn nhiều bụi bẩn, không thể đóng/ mở dễ dàng,... 

Ngoài ra, lỗi máy nén khí không chạy tải còn do van điều áp hoặc mạch điều khiển trong máy có vấn đề. 

Để sửa lỗi máy bơm hơi chạy không tải, bạn cần phải lưu ý đến những vấn đề sau: 

  • Kiểm tra nguồn điện cấp đến van điện từ có đảm bảo không?
  • Mở van hút để máy hoạt động.
  • Nếu van điện từ hoặc van hút bị tắc nghẽn do bụi bẩn, cần phải vệ sinh sạch sẽ, thay nhớt và lò xo cho van. Nếu cần thiết, có thể thay mới để thiết bị nén khí hoạt động hiệu quả và được bền hơn.

Máy nén khí bị nóng

Hiện tượng này xuất hiện khiến cho máy đột ngột dừng hoạt động; ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tuổi thọ của máy, tốn kém nhiều chi phí bảo dưỡng, sửa chữa. 

Nguyên nhân máy nén khí bị nóng có thể là do: 

  • Nhiệt độ của phòng đặt máy tăng cao.
  • Quạt làm mát bị hư hỏng.
  • Thói quen “lười” thay dầu định kỳ làm tích tụ nhiều cặn dầu, từ đó khiến máy bị nóng nhanh mỗi khi vận hành.
  • Lượng dầu bôi trơn và làm mát máy thấp.
  • Dùng sai loại dầu bôi trơn máy dẫn đến tích tụ nhiều cặn dầu. 
  • Van điều khiển nhiệt độ dầu bị hỏng, không hoạt động. 
  • Bộ phận làm mát dầu bị tắc. 

Với lỗi này, bạn có thể tự khắc phục và sửa máy bơm hơi tại nhà bằng các cách sau: 

  • Đặt máy ở vị trí thông thoáng và thường xuyên kiểm tra hệ thống làm mát, thông gió. 
  • Kiểm tra thang đo dầu trong máy và bổ sung nếu cần thiết. 
  • Thường xuyên thay dầu và bảo dưỡng máy định kỳ. 
  • Kiểm tra bộ phận tách dầu. 
  • Sử dụng đúng loại dầu cho máy. 
  • Thường xuyên kiểm tra và vệ sinh các chi tiết trên máy; nếu bị hỏng thì cần thay thế phụ kiện mới.
  • Nếu quạt làm mát bị vỡ hay hư hỏng, cần phải thay mới để tránh tình trạng nóng máy và đảm bảo cho thiết bị vận hành tốt nhất. 

 

Máy nén khí lên hơi chậm

Hiện tượng này thường xuất hiện do các nguyên nhân sau: 

  • Do nguồn điện qua thiết bị không đáp ứng. 
  • Khí nén bị dội ngược trở lại lọc khí do tích tụ nhiều bụi bẩn trong van và ống dẫn khí. 
  • Motor của máy gặp sự cố. 
  • Khí nén bị rò rỉ do sử dụng máy nén khí cũ hoặc kém chất lượng. 
  • Bộ phận lọc gió chứa nhiều bụi bẩn.

 

Các nguyên nhân làm máy nén khí lên hơi chậm

Máy nén khí lên hơi chậm là một sự cố thường gặp sau một thời gian dài sử dụng máy.

Để khắc phục lỗi này, bạn đọc có thể tham khảo bài viết: Máy bơm hơi không lên hơi: Nguyên nhân và cách khắc phục

Máy nén khí không chạy

Đó là tình trạng khi bạn bất nút công tắc khởi động nhiều lần mà không thấy máy bơm hơi hoạt động. Nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng hỏng hóc này là do: 

  • Nguồn điện không ổn định, có thể bị mất pha, mất điện áp hoặc mất nguồn
  • Rơ le nhiệt bị nhảy.
  • Khởi động từ bị cháy.
  • Công tắc mở/ ngắt áp lực bị hỏng.
  • Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân khác như: đứt cầu chì, lắp ngược pha máy nén khí,... 

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân sẽ có các cách sửa máy nén khí khác nhau. Ví dụ như: 

  • Lỗi do nguồn điện: Bạn nên kiểm tra kỹ nguồn điện trước khi khởi động máy để đảm bảo thiết bị hoạt động ổn định nhất. Bên cạnh đó, khi lắp đặt phải đảm bảo thống điện năng phù hợp với công suất của máy. 
  • Trong trường hợp rơ le máy bị nhảy thì cần reset lại. Bên cạnh đó, linh kiện này cũng rất dễ bị hư hỏng sau một thời gian dài sử dụng nên cần phải thường xuyên kiểm tra và thay mới.
  • Thay mới khởi động từ, công tắc bật/ đóng,... khi chúng bị hư hỏng. 
  • Khi lắp ngược pha, bạn cần phải đảo lại 2 trên 3 pha nguồn cấp là máy có thể hoạt động bình thường. 

Máy nén khí có nhiều nước

Đây là một sự cố thường xuyên xảy ra trong quá trình vận hành máy. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng này là do: 

  • Do điều kiện khí hậu nước ta khá nóng ẩm nên luồng khí đưa vào trong máy chứa nhiều hơi nước. 
  • Nhiệt độ máy quá thấp. Thông thường, nếu nhiệt độ của dầu thấp hơn 60 độ C sẽ không đủ điều kiện cho nước bay hơi hoàn toàn. Từ đó, nước bị đọng lại trong bình dầu. 
  • Van xả nước tự động bị hỏng.

Sự cố máy nén khí ra nhiều nước

Cách khắc phục: Tùy vào từng nguyên nhân mà có cách sửa máy bơm hơi mini phù hợp như: 

  • Xả nước ngưng tụ ở dưới đáy của bình dầu.
  • Nếu nhiệt độ máy quá thấp thì bạn cần phải tăng nhiệt độ dầu lên 70 độ C để nước bay hơi hết. 
  • Thay mới van xả tự động. 

Máy nén khí tự ngắt

Trong quá trình vận hành, có thể bạn sẽ gặp trường hợp máy nén khí đang chạy đột ngột dừng hoạt động. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng nóng máy. Khi nhiệt độ trong máy vượt quá mức cho phép, bộ phận cảm biến nhiệt sẽ tự động ngắt máy để đảm bảo an toàn cho người dùng và quá trình vận hành của thiết bị. Ngoài ra, áp lực làm việc cao, tích tụ nhiều bụi bẩn trong các van và lò xo cũng có thể là nguyên nhân khiến máy nén hơi đang chạy thì dừng đột ngột. 

Để khắc phục lỗi này, bạn nên tham khảo một số vấn đề sau: 

  • Khi lắp máy, cần chú ý đến hệ thống làm mát, thông gió, lắp mái che cách nhiệt. 
  • Thường xuyên kiểm tra tình trạng lưu thông khí trong phòng, giữ nhiệt độ phòng ổn định ở mức từ 30 - dưới 40 độ C. 
  • Thường xuyên kiểm tra hoạt động của máy để phát hiện lỗi sớm và kịp thời sửa chữa. 
  • Nên tách riêng khu vực lắp máy với khu vực sản xuất bởi luồng khí nóng trong môi trường sản xuất có thể gây ảnh hưởng đến máy. 
  • Thường xuyên vệ sinh máy. 

Máy nén khí bị hao dầu

Có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng này, phổ biến nhất là: 

  • Lọc tách dầu quá cũ hoặc bị hỏng nên không có khả năng giữ dầu.
  • Đường hồi dầu bị tắc nghẽn.
  • Sử dụng sai loại dầu theo quy định.
  • Lượng dầu trong máy quá nhiều.
  • Nhiệt độ máy quá cao lọc tách dầu nhanh xuống cấp, bị thủng.

Nguyên nhân và cách sửa máy bơm hơi bị hao dầu

Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà chúng ta có các cách sửa lỗi máy nén khí pít tông tiêu hao nhiều dầu khác nhau. Cụ thể như sau: 

  • Kiểm tra bộ phận lọc tách dầu và thay mới nếu bị hỏng.
  • Sử dụng đúng loại dầu quy định cho máy nén khí.
  • Kiểm tra mức dầu trong máy; nếu thừa thì cần hút dầu thừa ra. 
  • Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh đường ống để hạn chế tình trạng tắc nghẽn và kịp thời khắc phục những điểm bị rò rỉ. 

Rơle bảo vệ quá tải

Đây là lỗi thường xuyên xảy ra trong quá trình sử dụng máy nén khí. Khi gặp lỗi này, bạn cần phải kiểm tra những vấn đề sau: 

  • Kiểm tra xem có thể quay động cơ được bằng tay hay không? Nếu không thì chứng tỏ đầu nén đang bị kẹt, bị bó hoặc do vòng bi đầu nén bị vỡ, cần phải bảo dưỡng và thay mới nếu cần thiết. 
  • Kiểm tra nguồn cấp điện. Nếu điện áp sụt áp 10% khi máy chạy có tải thì cần kiểm tra xem dây dẫn điện có đủ khả năng chịu tải hay không? Đồng thời, cần kiểm tra các mối nối để đảm bảo chắc chắn rằng tất cả các điểm tiếp xúc đều được kết nối ổn định. 
  • Nếu dòng điện động cơ nằm trong dải cho phép mà rơ le bảo vệ vẫn nhảy thì tốt nhất là nên thay thế rơ le mới. 

Van an toàn liên tục xả khí

Thông thường, máy nén khí sẽ được cài đặt mức áp suất nhất định; vượt qua giới hạn đó, van an toàn sẽ mở và đẩy khí nén ra ngoài. Khi van an toàn liên tục xả khí chứng tỏ máy nén khí đang gặp vấn đề. Để khắc phục và sửa chữa lỗi máy bơm hơi này, bạn cần phải lưu ý một số vấn đề sau: 

  • Kiểm tra công tắc áp suất xem có được cài đặt và làm việc đúng quy trình không?
  • Kiểm tra xem van hút có đóng/ mở hoàn toàn không?
  • Kiểm tra xem van điện từ điều khiển chế độ có tải/ không tải có hoạt động bình thường không? 
  • Trong trường hợp van an toàn đặt trước lọc tách dầu thì cần kiểm tra xem trong tách dầu có bị tắc hay không?

Sau khi kiểm tra mà vẫn không phát hiện ra lỗi thì tốt nhất là nên gọi các đơn vị sửa máy nén khí uy tín để đến kiểm tra và kịp thời khắc phục lỗi.   

Trên đây là thông tin chia sẻ 10 lỗi thường gặp và cách sửa chữa máy nén khí. Hy vọng qua bài viết trên sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ và có thể áp dụng vào thực tế nếu không may thiết bị nén khí nén gặp sự cố tương tự. Bên cạnh đó, nếu không phải là người am hiểu nhiều về máy nén khí, bạn có thể tìm đến những địa chỉ cung cấp dịch vụ sửa chữa máy nén khí để được kiểm tra, báo lỗi và khắc phục kịp thời. 

Bình luận của bạn
zalo